Trên đời có hai bi kịch: Một là không có được thứ mình muốn, hai là có được thứ mình muốn – Oscar Wilde.
Lối sống tối giản (Minimalism) hứa hẹn một phần thưởng giản dị: Bạn càng sở hữu ít bao nhiêu, bạn càng hạnh phúc bấy nhiêu. Tất nhiên thế nào là “hạnh phúc” là cả một câu chuyện dài khác, nhưng trong khuôn khổ hạn chế của bài viết, tôi mong các bạn ít nhất hãy đồng ý với tôi về một định nghĩa phổ quát và cơ bản nhất của hạnh phúc: Sự vắng mặt tối đa của những cảm xúc tiêu cực và hiện diện tối đa của những cảm súc tích cực trong tinh thần của ta. Vậy làm thế nào, và tại sao, một lối sống tối giản lại liên quan đến cảm giác “hạnh phúc” của tôi và bạn?
Tôi xin bắt đầu bằng việc kể lại một trải nghiệm cá nhân. Ngày xưa, khi chiếc MacBook Air đời đầu mới ra mắt, tôi dành dụm mãi mới mua được nên thích lắm, bèn mua cho nó một chiếc túi xốp đựng laptop để bảo vệ. Có túi rồi, tôi lại tìm mua một chiếc balo phù hợp để nhét được chiếc túi đó vào. Có balo rồi, tôi lại phải mua thêm một bình đựng nước nhét vào ngăn lưới bên trái balo, rồi mua thêm một cây dù nhét ngăn lưới bên phải.
Nghĩa là, từ một chiếc laptop ban đầu, nay tôi có thêm một balo và hàng tá phụ kiện ngoại thất đi kèm. Đây còn được gọi là “Hiệu ứng Diderot”, đặt theo tên của nhà triết học Pháp thế kỷ 18, người đầu tiên phát hiện và miêu tả về hiện tượng tâm lý này.
Đó là lúc tôi nhận ra, mình đang làm nô lệ cho một lối sống thống trị bởi ham muốn sở hữu vật chất. Và tôi tự hỏi, trong cái thế giới cuồng quay của chủ nghĩa tiêu dùng này, có bao nhiêu người khác đã, đang và sẽ lâm vào tình cảnh tương tự? Hàng ngày, hằng giờ, hằng phút, những tiết mục quảng cáo hiện diện từ biển báo ngoài đường đến màn hình điện thoại luôn nhắc nhở chúng ta về những sản phẩm tiêu dùng chúng ta nên / phải sở hữu. Đó chắc chắn là một lối sống căng thẳng và không hạnh phúc, nhất là khi bạn không phải tỉ phú USD.
Cùng lúc đó, là một người thực tế, tôi cũng hiểu cũng chính cái ham muốn cải tiến vật chất và sở hữu vật chất, hay đúng hơn là sở hữu nhiều vật chất hơn, đã góp phần giúp nhân loại chui ra khỏi hang để xây dựng nền văn minh nhân loại dựa trên sản xuất và tiêu dùng mà chúng ta đang sống ngày hôm nay. Nhưng, cái gì cũng có hai mặt của nó. Tôi tin rằng sứ mệnh của chúng ta, những con người thông minh, là tìm cho mình một điểm Cân Bằng của một bên là nhu cầu “cần vừa đủ” của bản thân với một bên là lời kêu gọi “không bao giờ là đủ” của chủ nghĩa tiêu dùng toàn cầu.
Và cách tốt nhất để bắt đầu hành trình đó, là tập cách phân biệt giữa điều bạn cần với điều bạn muốn.
Chẳng hạn, ai cũng muốn có iPhone 11 đời mới nhất giá hơn 30 triệu (nhiều hơn lương chính thức của thủ tướng), nhưng thật ra chúng ta chỉ cần một chiếc smartphone chạy hệ điều hành Android giá tầm 3 triệu là đã đủ phục vụ các mục đích nghe – gọi – nhắn tin – email rồi. Ai cũng muốn có một tủ quần áo đầy ắp đồ hiệu nhưng thật ra một người bình thường chỉ cần hơn một tá bộ quần áo là đủ dùng cho nhu cầu hàng ngày. Vân vân.
Nghĩa là những gì ta “cần” thì rất ít, còn những gì ta “muốn” thì gần như vô hạn. Và chủ nghĩa tiêu dùng, hay đúng hơn là “mặt tối” của nó, đã và đang khiến chúng ta thèm muốn và mua sắm nhiều hơn so với nhu cầu thật của bản thân. Khi còn làm công việc văn phòng tại Việt Nam, tôi đã chứng kiến nhiều bạn đồng nghiệp mua hàng trên mạng từ những trang thương mại điện tử như Tiki hay Shopee gần như mỗi ngày.
Sự tiện lợi của việc mua hàng trên mạng cũng là một yếu tố khác thúc đẩy hành vi mua sắm của con người hiện đại. Nhưng hãy thử bỏ chút thời gian nhìn lại tất cả vật dụng chúng ta đã mua trong một năm qua để thấy bao nhiêu % trong đó thật sự đang được ta sử dụng hàng ngày, và bao nhiêu % bị xếp xó chỉ sau vài lần sử dụng?
Cá nhân mình, tôi phải thừa nhận có ít nhất 50% vật dụng trong căn phòng nhỏ của mình là hoàn toàn thừa thãi, theo nghĩa tôi mới chỉ dùng đến chúng chưa quá số ngón trên một bàn tay, và tôi rất hối hận vì đã mua chúng. Đó là do tôi đã mua chúng vì muốn thay vì cần. Đọc đến đây, có thể bạn sẽ nghĩ lối sống tối giản phải đi kèm với sự hạn chế số lượng vật dụng mình sở hữu. Không phải vậy. Suy cho cùng, nếu công việc của bạn đòi hỏi cần phải có một màn hình 32 inch với một chục thiết bị ngoại vi thì bạn cứ mua ngần nấy, và đó vẫn gọi là tối giản. Nhưng nếu bạn, như tôi tâm sự ở đầu bài, mua một màn hình 32 inch chỉ vì nó “đẹp” thì đó mới không phải tối giản.
Khi bạn không sở hữu quá nhiều vật dụng thừa thãi, bạn sẽ không còn cảm thấy áp lực phải bảo vệ hay gìn giữ chúng. Bạn được tự do khỏi ham muốn “có thêm nữa”. Bạn không còn thèm khát những thứ mình chưa có. Và bạn hài lòng với những gì đang có. Đây chính là niềm hạnh phúc có được khi ta thực hành lối sống tối giản. Suy cho cùng, như hoàng đế La Mã Marcus Aurelius từng nói: “Chúng ta thật ra cần rất ít để sống hạnh phúc. Tất cả nằm trong đầu ta, trong cách ta suy nghĩ”.