12 sai lầm làm đồ trong nhà nhanh hỏng

Không đổ nước ra khỏi bàn ủi, mở cửa khi lò vi sóng đang chạy… đều là những lỗi sai khiến các thiết bị trong nhà giảm tuổi thọ.

Các thiết bị điện tử có sử dụng lâu bền được hay không phụ thuộc rất lớn vào cách sử dụng của con người. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta chưa đọc kỹ hướng dẫn và chỉ dùng máy móc theo thói quen, sự thuận tiện.

Dưới đây, Bright Side tổng hợp những lỗi phổ biến khiến thiết bị gia dụng sớm hỏng hóc, phải thay thế.

 

Không đổ nước ra khỏi bàn ủi hơi nước sau mỗi lần sử dụng

Khi sử dụng bàn ủi hơi nước, điều đầu tiên, bạn nên sử dụng nước lọc để ngăn cặn vôi tích tụ.

Thứ hai, bạn đừng quên đổ hết nước trong khoang chứa sau mỗi lần sử dụng. Đây là thói quen nhỏ, nhưng có thể giúp hạn chế rỉ sét xuất hiện trong thiết bị.

Ngoài ra, nếu nước thừa còn đọng lại, nấm mốc sẽ sinh sôi trong bàn ủi. Vì vậy, khi đổ nước còn thừa, bạn cần lắc máy một chút để làm sạch, sau đó dốc hết nước ra ngoài.

 

Sử dụng giấy bạc trong lò nướng

Một số người lót lò nướng bằng giấy bạc để bảo vệ lò và tránh phải vệ sinh sau mỗi lần sử dụng.

Tuy nhiên, trên thực tế, cách làm này khá nguy hiểm. Giấy bạc không chỉ phản xạ nhiệt khiến thức ăn bị quá nóng, mà còn có thể đốt cháy các bộ phận làm nóng của lò.

Ngoài ra, loại giấy này còn hạn chế nhiệt, luồng không khí và thậm chí có thể bị cháy bên trong lò.

Đây là lý do tại sao bạn nên cố gắng lau sạch lò bằng vải sau mỗi lần sử dụng và không sử dụng giấy bạc.

 

Không làm sạch cặn bẩn máy pha cà phê

Giống như các thiết bị khác, máy pha cà phê cũng cần được bảo dưỡng và vệ sinh vài tháng một lần.

Khi vệ sinh máy, bạn cần làm sạch cặn bẩn, loại bỏ dầu và cặn cà phê.

Ít vệ sinh có thể làm giảm tuổi thọ của máy và ảnh hưởng đến hương vị cà phê.

Bạn có thể dùng giấm trắng hoặc các sản phẩm tẩy rửa chuyên dụng để làm sạch máy. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần pha loãng giấm với nước theo tỷ lệ được ghi trên nhãn.

 

Mở cửa khi lò vi sóng đang chạy

Lò vi sóng có nút tắt/tạm ngừng, nhưng rất ít người sử dụng tính năng này.

Thay vì thế, mọi người thường mở cửa khi lò vi sóng đang chạy. Điều này rất dễ gây hại tới thiết bị. Cụ thể, nó sẽ làm gián đoạn mạch nguồn và ảnh hưởng tới hoạt động của toàn bộ hệ thống.

Ngoài ra, cho đồ quá nặng vào lò vi sóng cũng là một lỗi sai phổ biến khác. Không phải ai cũng đọc hướng dẫn sử dụng và biết giới hạn trọng lượng của đĩa quay vi sóng. Bởi vậy, mọi người vẫn thường đặt những thứ nặng hơn mức cho phép lên bàn xoay và điều này khiến thiết bị dễ hỏng hóc.

 

Không rửa máy xay ngay sau khi sử dụng

Nếu từng sử dụng một máy xay thực phẩm, máy ép trái cây hoặc máy xay cầm tay, bạn sẽ biết những thiết bị này khó vệ sinh thế nào.

Tuy nhiên, không rửa các thiết bị này ngay sau khi sử dụng là một thói quen xấu vì các mảnh vụn thức ăn có thể bị kẹt ở những nơi khó vệ sinh.

Theo thời gian, điều này có thể làm hỏng các cơ chế của máy xay và làm cùn các lưỡi dao. Ngoài ra, thiết bị có thể trở thành nơi sinh sôi của vi khuẩn.

Để dễ vệ sinh máy xay, trước tiên, bạn nên ngâm cối vào nước ấm. Bạn cũng có thể sử dụng bàn chải đánh răng cũ để làm sạch các khu vực khó vệ sinh.

 

Lắc máy nướng bánh mì để loại bỏ các mảnh vụn

Các mảnh vụn bánh mì thường tích tụ bên trong máy nướng sau mỗi lần sử dụng. Những mảnh vụn này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả của thiết bị mà còn có thể dẫn đến cháy nổ.

Do đó, bạn nên rút phích cắm của máy nướng bánh mì và loại bỏ các mảnh vụn sau mỗi lần sử dụng. Ngoài ra,, đừng quên vệ sinh khay tích tụ nhiều vụn bánh nhất.

Điều tối kỵ là lật ngược thiết bị và lắc mạnh. Điều này chỉ khiến các mảnh vụn có nguy cơ mắc kẹt trong các bộ phận làm nóng.

Tốt nhất, bạn nên làm sạch máy nướng bánh mì bằng cách để nguội, lật nhẹ máy, lắc nhẹ để phần chính của vụn bánh rơi ra. Sau đó lấy bàn chải hoặc cọ quét sơn quét sạch những phần vụn bánh còn sót lại.

 

Không thay bộ lọc máy hút mùi đúng hạn

Bộ lọc là bộ phận quan trọng của máy hút mùi, được thiết kế để hấp thụ hơi nước dư thừa, ngăn chặn dầu mỡ và các mảnh thức ăn làm tắc nghẽn lỗ thoát hơi.

Tùy thuộc vào kiểu máy hút mùi và tần suất sử dụng, bạn nên thay bộ lọc từ 6 đến 8 tháng một lần.

Nếu máy hút mùi của bạn tiếp xúc với nhiều dầu mỡ và hơi nóng, bạn nên thay bộ lọc thường xuyên hơn.

Nếu không thay bộ lọc thường xuyên, thiết bị của bạn không thể duy trì chức năng, khiến căn bếp của bạn ám mùi và ẩm mốc.

 

Để thức ăn nóng vào tủ lạnh

Bạn sẽ không cho một món hầm mới nấu vào tủ lạnh, nhưng có lẽ bạn vẫn thường đặt những món ăn chưa nguội hẳn vào đó.

Lỗi này khiến cho nhiệt độ bên trong tủ lạnh tăng lên và cần nhiều năng lượng và điện hơn để thực hiện chức năng làm mát. Đây cũng có thể là nguyên nhân làm tăng hóa đơn tiền điện.

Ngoài ra, đặt thức ăn nóng vào trong tủ lạnh còn có thể ảnh hưởng đến các thực phẩm khác đang được lưu trữ.

 

Tráng sạch bát đĩa trước khi cho vào máy rửa chén

Đây là lỗi sai phổ biến khi sử dụng máy rửa chén

Thực tế, hầu hết loại máy rửa chén đều có cảm biến phát hiện độ bẩn của đồ dùng và điều chỉnh tia nước ở mức phù hợp.

Vì vậy, việc tráng sạch bát đĩa bẩn trước khi cho vào máy rửa bát là điều không cần thiết. Nó chỉ khiến bạn tốn nhiều thời gian, công sức hơn, lại ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của máy.

 

Chạy máy rửa chén với một nửa sức chứa

Đây cũng là một lỗi sai khác mà người dùng máy rửa chén thường mắc phải.

Máy rửa chén dùng xà phòng để làm sạch dụng cụ ăn uống. Nếu máy chỉ đầy một nửa, xà phòng sẽ đậm đặc hơn rất nhiều và gây hại cho chén đĩa.

Chạy máy rửa chén chỉ mới đầy một nửa cũng không tốt cho môi trường bởi nó tiêu thụ cùng một lượng nước và điện bất kể số lượng bát đĩa bên trong.

Bởi vậy, bạn nên lấp đầy máy rửa chén trước, sau đó mới bật máy.

 

Không làm sạch bộ lọc của máy sấy tóc

Mỗi máy sấy tóc đều có lỗ thông hơi để bảo vệ tóc khỏi bộ phận làm nóng bên trong và ngăn chặn bụi xâm nhập.

Khi lỗ thông hơi bị tắc, không khí sẽ không thể lưu thông, khiến máy sấy quá nóng.

Để vệ sinh máy, trước tiên, bạn cần rút phích cắm và tháo bộ lọc khỏi lỗ thông hơi phía sau.

Sau đó, bạn rửa bộ lọc dưới vòi nước để loại bỏ bụi bẩn và phơi khô trước khi lắp trở lại vị trí cũ. Tùy thuộc vào tần suất sử dụng, bạn có thể làm sạch bộ lọc 1-3 tuần/lần.

 

Đặt máy lọc không khí ở sai vị trí

Nhiều người có xu hướng đặt máy lọc không khí dựa vào tường hoặc trong một góc để tránh va chạm.

Tuy nhiên, máy lọc không khí phải được đặt cách xa các bức tường. Trong trường hợp thiết bị hình trụ, bạn càng đặt gần trung tâm phòng càng tốt.

Lý do cho điều này khá đơn giản: Máy lọc không khí cần có không gian để lấy và đẩy không khí ra phòng.

Bởi vậy, đặt thiết bị ở vị trí thích hợp sẽ giúp phát huy tối đa tác dụng của máy.

Theo Zing News

Related Posts

Cách đối phó với mệt mỏi và buồn ngủ liên tục

Ngày nay, nhiều người đang phải đối mặt với vấn đề mệt mỏi và buồn ngủ liên tục. Để giúp bạn vượt qua tình trạng này, chúng…

Tại sao một số người có thể ngủ trong tiếng ồn ào, trong khi những người khác lại bị đánh thức bởi một âm thanh nhỏ nhất?

Sự khác biệt tưởng chừng như khó tin này khơi dậy sự tò mò vô tận trong con người. Tại sao bộ não của một số người…

Bạn có ăn khoai lang không?

Ăn khoai lang nướng có bị ung thư không, hay nên ăn tối đa bao nhiêu khoai mỗi ngày thì tốt cho sức khỏe là mối quan…

Những việc nên làm khi chán nản

Sự buồn chán thường đến do cảm giác mắc kẹt trong công việc thường ngày vốn tẻ nhạt, nên dù hưởng thụ như đọc sách, xem phim,…

0 0 votes
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x